Sâu keo mùa thu là một loại dịch hại có khả năng gây hại nặng và ảnh hưởng rất lớn đến năng suất của các vùng trồng ngô. Loài sâu keo mùa thu có tên khoa học là Spodoptera frugiperda (tên tiếng anh là Fall Armyworm, viết tắt là FAW), thuộc Bộ cánh vảy (Lepidoptera), Họ ngài đêm (Noctuidae). Để góp phần đảm bảo năng suất, chất lượng cho cây ngô đông, đồng thời quản lý tốt loài sâu hại này, Toàn Nhà Nông hướng dẫn bà con nông dân triệu chứng gây hại và biện pháp phòng trừ sâu keo mùa thu trên cây ngô vụ Đông như sau:
I. Đặc điểm gây hại
Chỉ pha sâu non gây hại trên cây trồng, sâu non tuổi 1, đầu tuổi 2 ăn biểu bì của lá non – lá bánh tẻ tạo thành các vết trắng nhỏ li ti, khi sâu lớn dần tạo ra vết hại cũng lớn hơn hoặc liên kết tạo thành hình chữ nhật màu trắng đặc trưng. Từ tuổi 3 sâu non ăn khuyết lá, bẹ lá tạo thành các lỗ lớn như “cửa sổ”; từ giai đoạn trỗ cờ, phun râu, sâu non ăn râu, cờ ngô và chui vào bắp gây hại.
Sâu keo mùa thu có thể xâm nhập qua các con đường chính gồm: Sâu non di chuyển ở khoảng cách gần (cây này sang cây khác; ruộng này sang ruộng khác). Sâu non, nhộng, trứng thậm chí là trưởng thành di chuyền theo sản phẩm, phế phụ phẩm của cây ký chủ (ngô, cỏ thức ăn chăn nuôi, rau màu các loại,...) trong quá trình vận chuyển cây ký chủ qua biên giới hoặc theo hàng hóa thương mại từ nước ngoài vào Việt Nam hoặc giữa các địa phương trong nước. Trưởng thành tự bay tìm nơi đẻ trứng ở khoảng cách vài trăm mét đến hàng chục km. Trưởng thành di trú có thể bay theo gió xa hàng trăm km.
1. Biện pháp canh tác: Ở những vùng đã từng bị sâu keo mùa thu gây hại nặng chọn giống ngô có khả năng kháng, chống chịu sâu keo mùa thu cao (NK 7328 Bt/GT, NK 4300 Bt/GT, NK 66 Bt/GT, NK 6101 Bt/GT, 8639S, 6919S, 99558S, …) để gieo trồng nhằm giảm mức độ thiệt hại, giảm chi phí sản xuất do phải áp dụng các biện pháp khác phòng chống sâu keo mùa thu. Làm sạch cỏ dại xung quanh vườn trồng ngô, làm đất rồi phơi đất để ấu trùng và nhộng trong bề mặt đất phía trên chết hoặc bị thiên địch tiêu diệt. Làm đất kỹ góp phần diệt nhộng trong đất. 2. Biện pháp sinh học: Ưu tiên nhân thả các loài thiên địch như các loài ong ký sinh trứng, ký sinh sâu non; loài côn trùng ăn thịt sâu non sâu keo mùa thu như bọ rùa, bọ xít ăn thịt, bọ đuôi kìm, … ra đồng ruộng để phòng chống sâu keo mùa thu và một số sâu hại khác. Sử dụng chế phẩm nấm xanh, nấm trắng, vi khuẩn Bt, virus NPV để phun trừ khi sâu tuổi nhỏ và điều kiện thời tiết có ẩm độ cao để phát huy tốt nhất hiệu lực của chế phẩm. Đặt bẫy bả chua ngọt hoặc bẫy dẫn dụ giới tính (pheromone). Đặt bẫy bả chua ngọt hoặc bẫy pheromone (10-20 bẫy/ha) trên ruộng để diệt trừ trưởng thành sâu keo mùa thu ở tất cả các vùng trồng ngô.
Thời điểm đặt bẫy: Nên đặt bẫy suốt vụ ngô nhưng quan trọng nhất là khi ngô vừa mới gieo đến khi trỗ cờ, phun râu.
3. Biện pháp hóa học:
Những ruộng trồng giống ngô kháng, chống chịu sâu keo mùa thu không phải phun thuốc bảo vệ thực vật (BVTV).
Những vùng, ruộng ngô giống đã được xử lý hạt giống đúng hướng dẫn không phải phun thuốc BVTV khi sâu non mới nở (sâu thường chết ngay ở tuổi 1-2). Tuy nhiên, khi điều tra mật độ sâu non tuổi 1-2 còn cao (mật độ sâu non trên 2con/m2 hoặc tỷ lệ hại > 10% số cây, triệu trứng hại là các vết nhỏ li ti màu trắng trên lá), thì cần sử dụng ngay thuốc BVTV để phun trừ.
Những vùng, ruộng ngô không được xử lý hạt giống bằng thuốc bảo vệ thực vật cần áp dụng bẫy bả chua ngọt hoặc bẫy pheromone để diệt trưởng thành, ngắt ổ trứng sâu keo mùa thu nhằm làm giảm mật độ sâu non trên đồng ruộng. Trong giai đoạn này cần điều tra mật độ sâu để phun trừ khi sâu non tuổi 1-2 có mật độ cao.
Sử dụng thuốc BVTV trong Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng ở Việt Nam hoặc các hoạt chất thuốc được Cục Bảo vệ thực vật hướng dẫn sử dụng như: Indoxacarb, Bacilllus thuringiensis, Spinetoram, Lufenuron. Có trong một số tên thương phẩm như: Thuốc trừ sâu DIMAFEN 43.7SC Rồng Đỏ, Sukibe 50EC Hổ Mỹ... Phun 2 lần, cách nhau 7 ngày. Phun thuốc khi sâu mới xuất hiện tuổi 1,2. Lượng nước phun 400 - 600 lít/ ha. Phun theo hàng ướt đều 2 mặt lá và nách lá, phun trực tiếp vào nõn. Áp dụng theo nguyên tắc “4 đúng” và luân phiên sử dụng các hoạt chất khác nhau để tránh sâu kháng thuốc. Không phun thuốc BVTV ở những vùng thả ong ký sinh, thiên địch./.